jeudi 15 novembre 2012

samedi 3 novembre 2012

MÓN QUÀ THÁNG 11

                                                                                            
Lý- Halong

Thư mời của Hiệu trưởng trường ĐHNN – ĐHQG Hà Nội và Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hoá Pháp đến trường làm cho không khí của phòng tiếng pháp (salle francophone) trường THPT Hòn Gai – Hạ Long tưng bừng náo nhiệt hẳn lên. Một “ambiance francophone” đặc biệt diễn ra ở đây, làm cho chúng tôi – những giáo viên tiếng pháp không khỏi bồi hồi, vui sướng pha chút bâng khuâng nhớ về giảng đường đại học – Công trình khoa Pháptoà nhà B4, nơi mình đã học tập, vui đùa … Ai đã từng được sống và học tập ở đây lại có dịp kể về khoá mình, lớp mình, bạn mình. Nhanh thật đấy ! Khoa mình đã 50 tuổi rồi và chúng mình cũng trên dưới 50 cả rồi !
“Ta đã đi qua những năm tháng không ngờ
Vô tư quá để bây giờ xao xuyến”
Những kỉ niệm về cuộc sống sinh viên thời bao cấp thật khó quên cứ tràn về, khiến tôi nhớ lại một thời đầy khó khăn, thiếu thốn nhưng cũng đầy ắp kỉ niệm và tiếng cười. Có lẽ khó có thể tin được ngày ấy “sinh viên” lại sống như thế. Các bạn ngoại trú ở Hà Nội may mắn có được cuộc sống sinh viên ở cùng gia đình nên các bạn chắc cũng chỉ biết một chút cuộc sống “đủ đầy” của các bạn nội trú thôi.
Gần đến ngày “Hội Khoa Pháp” xin được gửi đến các bạn nội trú K16 hai bài thơ khiến tôi sao xuyến nhớ lại để chúng ta cùng ôn một “thời” đam mê một “thời” giông tố - Để nhấm nháp lại “Cuộc sống sinh viên ngày xưa của mình”. Và cũng xin được gửi tới các bạn ngoại trú hai bài thơ “trên cả tuyệt vời” này để các bạn “đồng cảm” hơn nữa với chúng tôi, những người bạn đã “được sống” và “cảm nhận” cuộc sống ở khu “nhà lá” nội trú trường ĐHSPNN Hà Nội năm xưa.
*
*  *


1. Chuyện kể lúc về già …
Tác giả: Sinh viên nội trú ĐHSPNN[1]

Mong chóng về già kể chuyện cùng nhau
Về cái thời chúng mình đang sống
Đời sinh viên vui buồn mơ mộng
Ai đã qua rồi chắc gì dễ quên.
Mình sẽ quay về năm tháng ấm êm
Mái nhà tranh bốn giường tầng – bốn căn buồng hạnh phúc
Những đôi vợ chồng yêu nhau rất thực
Cũng ghen hờn bâng quơ …
Sẽ kể về những tối làm thơ
Mỗi người một câu, mỗi người một ý
Mẩu bánh mì nâng tâm hồn thi sỹ
Để cóc kêu ngơ ngác giữa vần
Mình cùng ôn lại những tháng năm
Cả bọn tuổi hăm mà phòng chẳng có khách
Đêm thứ bảy nghêu ngao ngồi hát
Mùng 8 tháng 3 mình lại tặng hoa mình
Đấy cái thời chúng mình gọi bình minh
Là tia nắng 8 giờ xuyên qua vách
Thể dục buổi sáng xem như nét gạch
Nối liền hai giấc mơ.
Con cháu sẽ nghe kể chuyện xa xưa
Cả bọn sáng nào cũng đồng thanh kêu đói
Trên thư viện nghe bụng gào dữ dội
Chút hành phi cũng gợi nhớ nhà.
Dù thời gian năm tháng lùi xa
Chắng thể quên những ngày sức ăn như rồng cuốn
Bữa super 1 giờ đêm cũng chưa muộn
Đơn vị đo bằng nồi bảy nồi ba.
Thuở ấy chúng mình cũng sống "xa hoa"
Ngày sinh nhật ăn toàn khoai với sắn
Một bữa cháo hành bàn dăm bảy bận 
Gạo ít, người đông, thêm nước lại đầy
Chúng mình đã sống bằng khối óc bàn tay
Bao sự hy sinh kể sao cho xiết
Từng tập thơ tình hiến thân vào bếp
Cho gạo trong nồi chuyển hóa thành cơm.
Mái tranh nghèo vất vả sớm hôm
Cũng nghĩa tình biến mình thành lửa khói
Mở một khoảng trời xanh cao vời vợi
Để đêm đêm chúng mình ngắm sao trời.
Thưở ấy đời đâu lặng lẽ trôi
Ta đã đi qua một thời sôi động
Nửa đêm còn cãi nhau về nhạc – thơ – cuộc sống
Để phòng bên nhắc nhở đấm thủng tường.
Ngày ấy cả phòng nghe nhạc Đặng Thái Sơn
Cũng đồng cảm với tâm hồn nghệ sỹ
Sột soạt suốt đêm chúng mình kéo nhị
Thương nhau thuốc DEF nối nhịp cầu.
Sau này về già kể chuyện cùng nhau
Ôn lại cái thời chúng mình đã sống
Đời sinh viên vui buồn mơ mộng
A sống qua rồi chắc gì dễ quên.

2. MÙA ĐÔNG SINH VIÊN

Trời rét lắm nên bọn em nằm chung
Cứ 2 đứa 1 giường anh ạ.
Đời sinh viên nghèo nên tấm chăn mỏng quá
Phải nằm chung thành lệ - mỗi mùa đông.
                   
Bạn em làm vợ - em làm chồng
Sợ anh hiểu lầm mà giận dỗi
Những cặp vợ chồng lấy nhau không cưới
Ăn ở  với nhau suốt cả mùa đông.

Đã là vợ chồng nên phải nằm chung
Cũng gối tay, cũng thì thầm to nhỏ
Cũng hơi ấm gần như ngọn lửa
Cũng nồng nàn như một thứ tình yêu.

Góp chăn vào nên ấm biết bao nhiêu
Khi cái rét khẳng khiu luồn qua cửa sổ
Ở bên nhau tình yêu chan chứa
Xa nhau rồi - nhớ mãi một mùa đông.

Chép lại kỉ niệm xưa - 11/2012
Bùi Thị Lý - Hạ Long



[1]     Chị Nguyễn Phương Thảo, cựu học sinh CNN, cung cấp thông tin tác giả bài thơ này là chị Thanh Chung

mardi 2 octobre 2012

NHỮNG BỨC CHÂN DUNG ĐẸP Ở KHOA PHÁP

Nguyễn Văn Trường
K16 (1982-1987)

Khóa 16 (K16) khoa Pháp chúng tôi nhập học chính thức ngày 18 tháng 10 năm 1982. Ngay từ những tháng, năm đầu tiên mới vào trường, tôi đã được nghe đâu đó những mẩu chuyện kể về những tấm gương thầy, cô khi còn là sinh viên đã khổ luyện thành tài, không ngừng phấn đấu trong học tập để rồi tốt nghiệp, được giữ lại Khoa giảng dạy, và trở thành những thầy cô mẫu mực, có chuyên môn cao và hết lòng vì sinh viên. Những mẩu chuyện kể ở mọi lúc, mọi nơi ca ngợi tính cách và tài năng của các thầy, cô được người kể, người nghe thật trân trọng và nể phục.
Năm nay - 2012 là năm kỷ niệm Khoa Tiếng Pháp tròn 50 tuổi và cũng là một mốc son đánh dấu tròn 30 năm ngày nhập trường và 25 năm ngày ra trường của K16. Chúng tôi đã có nhiều dịp về thăm lại giảng đường khoa Pháp năm xưa, gặp bạn bè cũ và các thầy cô kính yêu. Thật ý nghĩa biết bao ! tất cả chúng tôi cùng ngồi lại chắp nối những mẩu chuyện năm xưa để xem đó như những đường nét hoa văn nhiều sắc màu điểm tô thêm những bức "chân dung" đẹp của các thầy cô.
Những bức chân dung được khắc hoạ dưới đây chắc chắn chưa đủ tất cả các thầy cô đã dạy và theo sát K16. Tác giả Những bức chân dung đẹp ở Khoa Pháp mong được gặp lại ngày càng nhiều các thầy cô để được tiếp tục làm thêm nhiều bức chân dung đẹp nhân ngày Hội Khoa năm nay.

Chân dung Nhà giáo ưu tú Trần Thế Hùng

Ngay khi còn là sinh viên khoá 3 (1966-1971) của Phân khoa Pháp văn[1], tên tuổi của thầy Trần Thế Hùng đã gắn liền với một tập thể có nhiều tấm gương sáng siêng năng học tập, khổ luyện thành tài, để sau khi tốt nghiệp, được giữ lại khoa giảng dạy như các thầy: Nguyễn Khắc Thiệu, Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Văn Mạnh, Nguyễn Trọng Tân, cô Nguyễn Thị Liên và cô Bạch Thị Diệp.
Trong số các thầy cô được giữ lại khoa, nổi trội hơn cả là nhóm bốn thầy Thiệu-Thọ-Mạnh-Hùng. Tên của bốn thầy đã trở thành một thành ngữ Thiệu-Thọ-Mạnh-Hùng cho bao thế hệ sinh viên thuộc lòng trong những câu chuyện hay năm xưa và trên những diễn đàn học tập. Chuyện kể về thầy Hùng là từ một học sinh phổ thông cấp III Quảng Oai chưa hề biết "một từ tiếng Pháp bẻ đôi" đã chăm chỉ, siêng năng sớm tối "cày", "xới" tài liệu để trở thành thầy dạy lý thuyết tiếng đứng đầu khoa Pháp. Thầy Thiệu vốn bị nói ngọng nhiều âm khác nhau nhưng ngọng nhất là âm "l" thành "n", "n" thành "l", rất vất vả trong việc học ngoại ngữ nói chung và tiếng Pháp nói riêng. Ấy vậy mà thầy đã khổ luyện để hết nói ngọng, rồi trở thành một thầy giáo dạy ngữ âm nổi tiếng. Thầy Thọ, thầy Mạnh cũng chuyên tâm nghiên cứu, phấn đấu thành các thầy đầu ngành giáo học pháp. Xem ra, sứ mệnh của khoa Pháp là đào tạo giáo viên dạy tiếng Pháp mà bốn thầy đảm nhiệm các môn chính thống: ngữ âm (phonétique), ngữ pháp (grammaire), từ vựng (lexicologie), ba bộ phận cấu thành của ngôn ngữ học (La linguistique) và giáo học pháp (Méthodologie) thì các thầy được ví như bốn trụ cột - Tứ Trụ vững chắc, nâng đỡ một công trình kiến trúc "Sư phạm ngoại ngữ" thật quả không sai.

Các thầy "Bộ Tứ": Thiệu, Hùng, Mạnh, Thọ (từ trái sang)
Tiếng thơm Thiệu-Thọ-Mạnh-Hùng không chỉ còn trong phạm vi khoa Pháp mà đến cả giới nghiên cứu ngôn ngữ chuyên nghiệp ở Viện Ngôn ngữ như giáo sư Hoàng Tuệ, Nguyễn Tài Cẩn, Đoàn Thiện Thuật, Đỗ Hữu Châu, Cao Xuân Hạo… cũng đặt cho biệt hiệu "Bốn Tây con" bởi kết quả học tập rất cao và khả năng nghiên cứu ngôn ngữ rất chuyên nghiệp. Năm 1999, tôi chỉ nghe lỏm được biệt hiệu "Bốn Tây con" bền lề của một công trình sắp được xuất bản hồi ấy nhưng mãi đến gần đây, tôi mới mạnh dạn đem hỏi thầy Hùng. Thầy Hùng e dè và rất kiệm lời nói về mình:
"Bốn người chúng tôi khi được ở lại trường là phải tính ngay chuyện đi học ngôn ngữ. Chúng tôi có bảy năm, từ năm 1971 đến 1978 cắp sách theo học các thầy Thuật, thầy Cẩn, thầy Tuệ. Học là học đón đầu để vững chuyên môn và nghiên cứu, lấy ngoại ngữ làm công cụ nghiên cứu. Ngôn ngữ Việt và ngôn ngữ Pháp, hai ngôn ngữ hỗ trợ nhau. Cuối cùng, chúng tôi thi nghiên cứu sinh đỗ với điểm rất cao". 
Năm 1980, nhóm Thiệu-Thọ-Mạnh-Hùng tiếp tục lại gây tiếng vang về sức học mãnh liệt và phương pháp học nhóm ở Trường Đại học Tổng hợp Grenoble III (Cộng hoà Pháp) để lại có một biệt hiệu mới "Bộ Tứ" – La Bande des Quatre[2] do các giáo sư người Pháp và bạn bè quốc tế đặt cho từ đây. Chuyện kể rằng, năm 1980, Bộ Tứ Thiệu-Thọ-Mạnh-Hùng được học bổng đi Pháp học lấy bằng cao học[3], khi sang đến trường Grenoble, thời gian ôn thi chỉ còn đúng 15 ngày, trong khi các nhóm sinh viên trường khác họ đã sang học tập từ rất lâu, và đã học được rất nhiều. Các giáo sư Pháp nghĩ là rất khó khăn và khuyên cả nhóm bốn thầy bỏ kỳ thi này để đợi năm sau nhưng cả bốn thầy đều quyết tâm học, bằng cách xin tài liệu để học trên thư viện, học tối, ngày và học với phương pháp chia nhau học theo phần, mỗi người đọc một cuốn sách, xong thì phải thuyết trình trước cả nhóm phần mình đã học để cùng hiểu. Kết quả cuối cùng chỉ trong 15 ngày ấy, các thầy đã thi được với kết quả cao, đều đạt từ 12/20 điểm trở lên. Số điểm này là rất cao so với cả sinh viên bản địa và đã làm các giáo sư người Pháp và các bạn bè quốc tế ngạc nhiên, nể phục. Sau kỳ thi đó, cả nhóm bốn thầy được vợ chồng Giáo sư Dabène mời đến thăm nhà riêng, sự kiện này khiến các bạn bè quốc tế phải thốt lên và ghen tị "Bọn tao học ở bên này cả đời không được đến nhà giáo sư, thế mà…" - Thầy Hùng vui vẻ kể lại như hiểu ý của tôi muốn xác minh biệt hiệu "Bande des Quatre" trong câu chuyện năm xưa.
Với các biệt danh và biệt hiệu như "Tứ Trụ" hoàn toàn Hán, "Bốn Tây con" hoàn toàn Việt và "Bande des Quatre" lại hoàn toàn Tây đặt cho các thầy ở mỗi hoàn cảnh đều mang hàm ý hình tượng hoá, cụ thể hoá vai trò đồng đều và trách nhiệm của một thầy trong bốn và cả bốn thầy trong một đều đúng, đều hay. Cái hay, cái đẹp của bốn thầy là phát triển đồng đều. Cả bốn thầy có bằng cao học (Maitrise) do Pháp cấp sớm nhất khoa (từ 1981) và dàn hàng ngang tiến đều trên bước đường sự nghiệp. Tên tuổi và hình ảnh của bốn thầy được xem như là một hiện tượng đặc biệt của Khoa Pháp.
Đến nay, nhiệm vụ của Khoa Ngôn ngữ và Văn hoá Pháp không còn chỉ đào tạo giáo viên dạy tiếng Pháp như xưa nữa mà đã phát triển, mở rộng đào tạo nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực khác nhau, nên Bộ Tứ xưa kia cũng phát triển theo các hướng khác nhau. Thầy Thọ phát triển lên lãnh đạo trường. Thầy Mạnh lãnh đạo trung tâm nghiên cứu của trường, rồi được đề bạt làm Trưởng phòng Đào tạo. Thầy Thiệu lên làm Phó phòng Nghiên cứu khoa học, hiện đang sống và công tác ở Cộng hoà Pháp. Chỉ còn mình thầy Hùng ở lại khoa.

Thầy Hùng (bên trái) dẫn đoàn đại biểu Quốc hội Pháp
đến thăm Khoa
Dẫu có thiếu vắng "đội hình", thầy Hùng cũng vẫn thể hiện một tinh thần làm việc độc lập rất cao. Thầy không ngừng nâng cao chuyên môn, biên soạn sách giáo khoa, tài liệu chuyên ngành. Năm nào, thầy cũng bận rộn làm đề thi, tổ chức các kỳ thi đại học, cao học và viết bài nghiên cứu khoa học. Thầy được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú Năm 1996. Nhưng rồi, phải đến năm 1999, thầy mới đăng ký đi làm tiến sĩ ở Lyon (Cộng hoà Pháp). Tháng 11 năm 2002, thầy bảo vệ thành công Luận án tiến sĩ với đề tài "Phản bác trong giao tiếp" (Réfutation dans le discours). Bốn năm sau (2006), thầy được phong hàm Phó Giáo sư. Thấy có vẻ hơi muộn, nhiều học sinh và đồng nhiệp nói vui: "thầy chỉ chăm lo và định hướng tương lai cho sinh viên mà quên làm luận án tiến sĩ của mình". Còn ở Pháp, các Giáo sư nói: "Người ta đi làm tiến sĩ để về lãnh đạo, còn trường hợp của ông thì lãnh đạo người rồi mới làm tến sĩ, làm để chi cho mệt".
Không chỉ giỏi chuyên môn, thầy Hùng còn là một trong những lãnh đạo khoa lâu năm, từ năm 1983, thầy được thứ trưởng Bộ Giáo dục Hồ Trúc kí quyết định bổ nhiệm làm Phó chủ nhiêm Khoa và từ năm 1990, thầy được bầu làm Chủ nhiệm Khoa.
Nhà giáo ưu tú TRẦN THẾ HÙNG
- 1966-1971: Sinh viên khoá 3 Phân khoa Pháp văn
- 1971: Tốt nghiệp, ở lại khoa giảng dạy lý thuyết tiếng.
- 1980-1981: Học cao học tại Grenoble III (CH Pháp) lấy bằng Maîtrise (Master I).
- 1987-1989: Học cao học tại Lyon II (CH Pháp) lấy bằng DEA
- 1996: Được Nhà nước phong danh hiệu "Nhà giáo ưu tú".
- 2000 – 2002: Học chương trình tiến sĩ tại Rouen.
- 2002: Bảo vệ thành công Luận án tiến sĩ với đè tài: Phản biện trong giao tiếp.
- Các công trình và bài viết: Sách giáo trình (04); Sách giáo khoa lớp 6-12 (06); Bài báo khoa học đăng tạp chí KH (10); Công trình nghiên cứu và đề tài NCKH (02).
Về gia đình riêng của thầy cũng là một trường hợp đặc biệt không có nhiều ở khoa Pháp. Vợ thầy là cô Phạm Thị Dung, trước kia cô cùng học khoá 3 với thầy. Ra trường, thầy được giữ lại khoa giảng dạy, còn cô làm việc ở Thông tấn xã Việt Nam. Năm 1978, cô xin chuyển về trường công tác, thầy và cô ở lại khu tập thể của trường. Có lẽ xuất phát từ cuộc sống của sinh viên nội trú kham khổ mà thầy cô đã trải qua nên thầy, cô rất thông cảm và rất yêu quý sinh viên. Chị Hà Tuyết Lan, sinh viên khoá 7 (1973-1978) tâm sự:
"Nhiều khi rỗi, hội con trai hay ra cái ao ở cổng trường mò ốc về cho vào xô luộc, rồi sang nhà cô Dung, thầy Trần Hùng xin ít muối về chấm […] Sau khi ra trường và được trở lại khoa học tiếp cao học, thấy tôi là giáo viên tỉnh nghèo, thầy Trần Hùng, cô Liên dạy miễn phí cho tôi ôn thi và học cao học 9, rồi thi đi Pháp. Tôi được như bây giờ là nhờ vào sự chỉ bảo ân cần và giúp đỡ nhiệt tình của các thầy, cô nhiều lắm. [...] Thầy Hùng, cô Dung coi chúng tôi như người trong gia đinh nên thường ngày chúng tôi vẫn gọi tên thầy cô một cách quý mến, gần gũi vì thế cho đến nay, tôi mới biết tên đầy đủ của thầy Hùng dạy chúng tôi là Trần Thế Hùng và vợ thầy là cô Phạm Thị Dung".

Thầy Hùng (bên phải) và cô Dung chúc thọ thầy Nguyễn Văn Thụ
Đúng thế, tôi phải thú thật rằng, từ trước đến nay, tôi cũng chỉ nghe các thầy, cô và các anh chị khoá trên gọi thầy với hai chữ rất gần gũi và thân quen là thầy Trần Hùng, hoàn toàn không biết họ tên đầy đủ của thầy là Trần Thế Hùng. Có lẽ sau bài viết này các bạn tôi sẽ thấy thêm một điều thú vị đến ngỡ ngàng.

Trong gia đình thầy, một thành viên thế hệ thứ hai là Trần Quỳnh Hương, con gái của thầy hiện giờ cũng là giảng viên lý thuyết tiếng nhiều triển vọng. Cô giáo trẻ Quỳnh Hương đã hoàn thành chương trình cao học (DEA) tại Lyon II và đang viết Luận án tiến sĩ với đề tài "So sánh câu phủ định Pháp – Việt". Cuối cùng, một thành viên thuộc thế hệ thứ ba trong gia đình là cháu ngoại của thầy cô, cháu gái Nguyễn Trần Trang Linh cũng đang học chương trình Song ngữ Pháp-Việt ở trường THCS Đoàn Thị Điểm. Cả gia đình, ba thế hệ yêu mến tiếng Pháp, gắn bó với tiếng Pháp và đưa tiếng Pháp vào cuộc sống gia đình đến từng góc cạnh, đến từng thành viên.
Kết thúc bài viết này, tôi mới chợt nhớ rằng có ai đó đã nói giá trị của một con người sẽ thể hiện rõ nhất khi người ấy không còn nữa. Theo tôi, nhận định đó chỉ đúng một phần vì những gì mà tôi viết hôm nay về các thầy, cô giáo của tôi ở Khoa Pháp vẫn là hơi muộn, đáng lẽ phải được viết sớm hơn, mặc dù các thầy, các cô vẫn đang khoẻ mạnh, tinh anh.

CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU
VÀ BÀI VIẾT KHOA HỌC ĐÃ ĐĂNG CỦA THẦY TRẦN THẾ HÙNG

SÁCH, GIÁO TRÌNH
TRẦN THẾ HÙNG, Giáo trình Từ vựng tiếng Pháp, 2004, Nhà Xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.
TRẦN THẾ HÙNG, Ngữ pháp tiếng Pháp. Cú pháp câu, 2005, Nhà Xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.
TRẦN THẾ HÙNG, Dẫn luận ngữ dụng học hội thoại, Nhà in Trường ĐHNN, 1998.
TRẦN THẾ HÙNG, Ngữ âm tiếng Pháp, tài liệu sử dụng tại khoa NN và VH Pháp từ năm 2009.
SÁCH GIÁO KHOA
1. Tiếng Pháp 10 (Đồng tác giả) + Sách hướng dẫn, 1984, Nhà xuất bản Giáo dục Hà nội, Hanoï, 144 pages.
2. Tiếng Pháp 11 (Đồng tác giả) + Sách hướng dẫn, 1985, Nhà xuất bản Giáo dục Hà nội, Hanoï, 116 pages.
3. Tiếng Pháp 12 (Chủ biên) + Sách hướng dẫn, 1986, Nhà xuất bản Giáo dục Hà nội, Hanoï, 124 pages.
4. Tiếng Pháp 10 Ban KHXH (Chủ biên), 1994, Nhà xuất bản Giáo dục Hà nội, Hanoï, 236 pages.
5. Tiếng Pháp 11, Ban KHXH (Chủ biên), 1995, Nhà xuất bản Giáo dục Hà nội, Hanoï, 236 pages.
6. Je parle vietnamien (Đồng tác giả), 1994, NXB LIKSIN, HOCHIMINH ville, 249 pages. (Sách dạy tiếng Việt cho người nói tiếng Pháp).
7. Tiếng Pháp 6 (Đồng tác giả) + Sách hướng dẫn, 2002, Nhà xuất bản Giáo dục Hà nội, Hanoï, 128 pages.
8. Tiếng Pháp 8 (Đồng tác giả) + Sách hướng dẫn, 2004, Nhà xuất bản Giáo dục Hà nội, Hanoï, 172 pages.
9. Tiếng Pháp 9 (Đồng tác giả) + Sách hướng dẫn, 2005, Nhà xuất bản Giáo dục Hà nội, 136 pages.
CÁC BÀI BÁO KHOA HỌC
1. "Vai trò của tranh ảnh trong việc giảng dạy ngoại ngữ", Kỷ yếu Hội nghị Khoa học, Đại học Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội,1998, 4 trang.
2. "Tính đa kênh và vai trò của các yếu tố không lời trong giao tiếp hội thoại", Tạp chí Ngoại ngữ, số 6, 1999, 4 trang.
3. "Câu tiếng Pháp trong hoạt động giao tiếp", Tạp chí Khoa học, ĐHQGHN số 4, 8 trang.
4. "Lập luận và vấn đề giảng dạy lập luận", Actes du Séminaire Régional Asie-Paifique, 2004. 16 trang.
5. "Hành vi phản bác trong giao tiếp (qua cứ liệu tiếng Pháp)", Tạp chí Khoa học, ĐHQGHN số 4, 2004, 9 trang.
6. "Câu đơn và câu đơn đặc, biệt trong tiếng Pháp", Tạp chí Khoa học, ĐHQGHN số 2, 2005, 8 trang.
7. "Lập luận theo quan hệ nhân quả", Tạp chí Khoa học, ĐHQGHN số 4, 2005, 9 trang.
8. "Lập luận trong ngôn ngữ (Nghiên cứu trên ngữ liệu tiếng Pháp)", Kỷ yếu Hội nghị Khoa học lần thứ 26, Đại học Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội, 2006, 12 trang.
9. "Lại bàn về Bổ ngữ chỉ tình huống", Kỷ yếu Hội nghị Khoa học của trường, 2011,.
10. "Encore, giá trị ngữ nghĩa và ngữ dụng", Kỷ yếu Hội nghị Khoa học của trường, 2012,.
CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU
TRẦN THẾ HÙNG, TRẦN QUỲNH HƯƠNG, Nghiên cứu lập luận bằng tiếng Pháp và ứng dụng vào việc giảng dạy tiếng Pháp cho sinh viên chuyên ngữ Việt Nam, đề tài khoa học cấp Đại học Quốc gia, Công bố năm 2005.
ĐỀ TÀI, DỰ ÁN, HOẶC NHIỆM VỤ KHCN KHÁC ĐÃ VÀ ĐANG THAM GIA VỚI TƯ CÁCH THÀNH VIÊN
Nghiên cứu đối chiếu câu Việt – Nga – Anh – Pháp – Trung, Ứng dụng vào việc giảng dạy ngoại ngữ cho đối tượng là người Việt Nam, ĐHQGHN, 2004 (Do thạc sỹ Nguyễn Văn Lợi làm chủ nhiệm đề tài).



NVT





[1]     Phân khoa Pháp văn, Khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội là tên gọi ban đầu khi mới thành lập năm 1962. Đến năm 1967, gọi là Khoa Tiếng Pháp, Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội và từ 1993 đến nay gọi là Khoa Ngôn ngữ và Văn hoá Pháp, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội.
[2]     Biệt hiệu "Bande des Quatre" ra đời lúc đó trùng với thời điểm lịch sử Trung Quốc có bốn nhân vật (Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Vương Hồng Văn và Diêu Văn Nguyên) thuộc nhóm cấp tiến có ảnh hưởng vô cùng rộng lớn ở Trung Quốc trong suốt một thập kỷ, kể từ khi Cách mạng Văn hóa bắt đầu năm 1966. Hầu hết người dân Trung Quốc hồi ấy gọi bốn nhân vật này là "Bè lũ bốn tên" – Viết chữ Pháp cũng là "La Bande des Quatre". Có lẽ người Pháp đặt biệt hiệu này cho bốn thầy có hàm ý xem hiện tượng của bốn thầy khoa Pháp là rất phi thường.
      Tuy nhiên đối với tác giả bài này xin được đưa ra giải pháp (cá nhân) dịch sang tiếng Việt của "Bande des Quatre" là "Bộ Tứ" vừa sát nghĩa, vừa đúng hoàn cảnh của các thầy và hay hơn cách gọi của người
Trung Quốc.
[3]     Bằng Maîtrise, bây giờ gọi là Master I

lundi 20 août 2012

HÀNH TRÌNH TÌM BỐ NƠI CHIẾN TRƯỜNG XƯA (Phần II)


Nguyễn Văn Trường

Phần II: Đường lên biên giới – chiến trường xưa

Phần I: Nhật ký đường sắt Bắc-Nam

Sau hành trình 40 giờ, đoàn tàu Thông Nhất 3 xuất phát từ Ga Hà Nội đưa chúng tôi tới Ga Sài Gòn đúng lịch trình lúc 7 giờ 45 phút một buổi sáng đẹp trời. 

Tại ga Sài Gòn, anh rể và chị gái tôi cùng người lái xe ô-tô đang chờ sẵn. Rời ga Sài Gòn, chúng tôi không đi về thị xã Tây Ninh mà vội về hướng Bình Dương nhập vào quốc lộ 13 đi An Lộc, thị trấn của huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước để từ đây rẽ trái qua An Phú đến cầu Sài Gòn. Lộ trình từ Sài Gòn lên đây hoàn toàn mới lạ, chúng tôi không một ai biết, vừa đi, vừa hỏi đường hết khoảng hơn hai giờ ô-tô chạy mặc dù đường rất mới, rất hiện đại. Tôi chọn quốc lộ 13 để đi không phải là nó được thể hiện trên bản đồ to, thẳng dễ đi mà chính con đường này và các địa danh Mỹ Phước, Lai Khê, Chơn Thành, Chà Là, An Lộc, An Phú, cầu Sài Gòn... là những điểm đến, điểm đi và cũng là những tọa độ lửa đã đi vào lịch sử các trận đánh của Trung đoàn 96 – Đoàn Pháo binh Biên Hòa mà tôi đã được đọc, được nghe. Tôi cũng muốn đi trên con đường này bởi nó đã từng in dấu chân của bố tôi. Chuyện cũ kể rằng, năm 1968, khi bố tôi ở tiểu đoàn 3 (D3), cả tiểu đoàn phải từ điểm đóng quân ở Phước Vĩnh đánh căn cứ Lai Khê, rồi vượt qua quốc lộ 13 và sông Sài Gòn sang trảng Bầu Cột, Suối Bà Chiêm, Ka-tum của Tây Ninh chiến đấu để rồi mãi mãi nằm lại trên mảnh đất Tây Ninh này. Đến cầu Sài Gòn, xe của chúng tôi dừng lại bên đầu cầu Bình Phước mua ít trái cây và hương hoa, bên kia là đất của huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. Tôi lững thững lên giữa cầu nhìn ngược, rồi nhìn suôi dòng nước mà thấy lòng nao nao xúc động, có linh cảm bố tôi đã vượt tại khúc sông này, nơi tôi đang đứng đây. Hai dòng nước mắt bỗng dưng làm nhòa đi hình ảnh tưởng tượng bố cùng đồng đội đang cố gắng bí mật vượt sông, người đã sang được bờ, người còn ở dưới nước không cầu, không đường dẫn. Lúc đó ông Tám, ông Năm là hai đồng đội của bố tôi đi cùng đoàn đứng đằng sau tôi từ lúc nào không biết. Các ông nói cả tiểu đoàn vượt sông ban đêm và cách cầu Sài Gòn khoảng một ki-lô-mét về phía hạ lưu.
Từ cầu Sài Gòn cách điểm đến là ấp Trảng Trai, xã Tân hòa gần 20 ki-lô-mét. Biết đường còn xa, lại vắng vẻ nên nhân tiện có đôi vợ chồng trẻ cũng dừng xe trên cầu, có lẽ anh chị đi làm về. Tôi liền hỏi:
- Anh chị làm ơn cho tôi hỏi đường về xã Tân Hòa ? Anh thanh niên nhanh mồm hỏi lại:
- Các chú về đâu của xã Tân Hòa, ấp nào ? Tôi trả lời: về ngã ba ấp Trảng Trai.
- Dạ, từ đây về đó còn khoảng 16-18 cây nữa. Anh thanh niên tỏ vẻ quen khá nhiều người ở Trảng Trai, anh hỏi lại: thế các chú đến nhà ai ?
- Chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Hải Đường, cán bộ thương binh và xã hội xã Tân Hòa.
Anh thanh niên suy nghĩ một lúc rồi trả lời, tôi không biết ông Hải Đường mà chỉ biết ông Hai Đường thôi. Nhà ông có sạp bán hàng khô và tạp hóa to ở ngay ngã ba.
Tôi nhớ lại, khi còn ở Hà Nội, tôi đã gọi cho ông nhiều lần, được ông cho địa chỉ, tả đường đi và ông cũng nói nhà ông có sạp hàng bán ở ngay ngã ba. Tôi liền cảm ơn đôi vợ chồng trẻ và tới ngã ba Trảng Trai lúc 11 giờ không khó chút nào.
Chúng tôi xuống xe định hỏi thăm nhà ông Hải Đường thì đã thấy cả hai vợ chồng ông đứng đón ở cổng và chủ động hỏi chúng tôi trước: Có phải Trường từ Hà Nội vào không ? Tôi đáp: Dạ, cháu là Trường... ! chỉ mới nói có thế, cả hai ông bà đã vui vẻ nhận ra, bắt tay và đưa chúng tôi vào nhà. Chúng tôi uống nước, giới thiệu, nói chuyện rất vui vẻ, nhất là khi được biết ông Tám và ông Năm là đồng hương Thanh Hóa, ông Hải Đường hồ hởi hơn và vui hơn nhiều khiến chúng tôi cảm nhận được sự gần gũi thật sự của ông. Có lẽ với tính cách cởi mở và chân tình ngay từ phút đầu của ông bà Hải Đường đã trả lời hộ tôi câu hỏi "Tại sao còn cách đến gần 20 cây số mà đã có người quen, người biết ?". Trong lúc vui vẻ ấy, hình như ông Hải Đường đoán được sự nôn nóng muốn tranh thủ đi tìm ngay hôm nay của đoàn chúng tôi. Ông mau mồm nói, các anh và các cháu đến đây cứ yên tâm, nghỉ ngơi tại đây, trưa nay ăn cơm xong, buổi chiều ta tiến hành đi thăm địa hình, hỏi thăm dân địa phương để xác định nơi các anh đóng quân và chiến trường cũ cho thật chính xác, sau rồi mới tìm và xác định vị trí các ngôi mộ. Chiều nay tôi sẽ trực tiếp đi cùng đoàn. Chúng tôi rất vui mừng và đồng ý với chương trình của ông đưa ra.

Tìm dấu tích chiến trường xưa

Ăn cơm trưa và nghỉ ngơi xong, với những dụng cụ hỗ trợ như la bàn, bản đồ địa hình, bản đồ quân sự in trong những năm 60 và 70 được chuẩn bị kỹ lưỡng, đúng hai giờ chiều chúng tôi bắt đầu đi tìm những điểm chuẩn quan trọng không thể thiếu được là Lộ Trắng, trảng Bầu Cột, cây Cày (tên loại cây trong rừng), Suối Cạn... Các bản đồ được căn lên căn xuống, đối chiếu đi đối chiếu lại, chúng tôi đã mất thời gian khá lâu mới xác định được con Lộ Trắng.  
Ông Tám đang căn bản đồ xác định Lộ Trắng

Lộ Trắng ngày xưa là con đường cát trắng, pha ít sỏi, đầu phía Tây bắt nguồn

từ Lộ Đỏ (đường 794, đi An Lộc và đi Kà-Tum) và đầu phía Đông đi qua trảng Bầu Cột tới suối Bà Chiêm. Con đường này bộ đội ta trước kia gọi là Lộ Trắng, địch gọi là đường Lệ Xuân. Giờ đây được rải lại nhiều lần bằng sỏi đỏ nên không còn trắng nữa. Rất tình cờ và rất vui chúng tôi nhận ra con Lộ Trắng cần tìm chính là con đường chạy qua mặt tiền nhà ông Hải Đường, qua ấp Trảng Trai, ấp Suối Bà Chiêm, cụt đường sẽ gặp Hồ Dầu Tiếng. Để tìm trảng Bầu Cột, dọc theo Lộ Trắng ông Tám và ông Năm chủ động gặp hỏi những người cao tuổi sống ở địa phương lâu năm, những cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu cùng thời với các ông. Đi đến đâu, các ông cũng nói vanh vách những điểm chuẩn cần biết để xác định. Các ông mô tả và vẽ trảng Bầu Cột ra giấy, bản nào cũng giống như bản nào gồm một trảng lớn và một trảng con. Trảng con nằm giáp với rừng, tương đối rậm rạp bởi những cây le, cây sậy, thỉnh thoảng xen kẽ với một vài cây to. Trảng lớn dài, rộng hơn, thoáng hơn bởi những vạt cỏ rộng, bị con Lộ Trắng đi qua cắt làm hai phần, phần đuôi nhỏ nằm ở phía bên kia đường. Đặc biệt trên trảng con có một cây Cày thân rất to, cao chẽ ra làm hai nhánh, giống như hai cây trụm lại, trinh sát của trung đoàn thường trèo lên cây Cày để quan sát. Cách cây Cày này khoảng 400 mét về phía Tây-Bắc có một con suối cạn làm giới hạn trảng. Trên bờ suối cạn là căn cứ của trung đoàn 96, nơi ông Tám, ông Năm và bố tôi cùng làm cảnh vệ. Ông Tám, ông Năm nhớ như thế, thuộc như thế nhưng không có ai biết trảng Bầu Cột ở đâu. Hỏi mãi, xe ô-tô chạy vòng vèo, vòng vèo nhiều lần trên lộ trắng khiến ông Tám đã nhận ra đoạn đường gấp khúc xưa có tên là Bầu Châm. Ông Tám hỏi thăm ông Hải Đường và dân ở đây, mọi người trả lời đúng rồi, đây là Bầu Châm ! Ông Tám nói như để khẳng định: "thế thì đi hết Bầu Châm sẽ đến trảng Bầu Cột". Như vậy, địa danh trảng Bầu Cột đã hé mở và việc tìm kiếm đã được thu hẹp lại. Ông Hải Đường phấn khởi ra mặt bèn quyết định đưa chúng tôi đến gặp cụ Năm Bò ở gần đó.
Cụ ông Năm Bò, cụ bà và cô cháu gái
Cụ Năm Bò, là người Khơ-me, cán bộ kháng chiến của ta, cả hai cụ năm nay đã 85 tuổi nhưng trí nhớ còn tốt, chỉ tội tai cụ điếc nặng. Khi chúng tôi đến phải nhờ cô cháu gái dịch ra tiếng Khơ-me để nói với cụ bà, cụ bà ghé sát cụ ông nói như thét vào tai câu gì đó, để rồi cô cháu gái dịch lại cho chúng tôi mới biết rằng cụ ông nói đi hết Bầu Châm, sẽ tới Bầu Cột. Bầu Cột gần xóm Miên cách đây khoảng chừng 3 ki-lô-mét bên phải con đường này. Ông Tám đắc chí vỗ tay khẳng định thêm: Đúng rồi ! chính xóm Miên là xóm toàn người gốc Miên ở, chúng tôi phải luồn qua để ra đường đi lên Kà-tum sau năm 1970. Mọi người thở phào, cười vui làm tan biến cả những nghĩ suy, mệt nhọc, khép lại buổi chiều đầu tiên làm việc có hiệu quả. Chúng tôi cảm ơn và giơ tay chào vẫy những người dân địa phương đã theo sát suốt buổi chiều để chia sẻ, để giúp đỡ chúng tôi việc xác định trảng Bầu Cột.
Sáng hôm sau, chị gái tôi và anh rể thức dậy từ sớm mổ gà, đồ xôi sắm sanh lễ vật để mang đi thắp hương. Còn tôi cùng ông Hải Đường và ông Năm, ông Tám đi trước bằng hai xe máy tiếp tục xác định trảng Bầu Cột. Một lát sau, anh chị tôi cũng tới cùng. Từ nhà cụ Năm Bò chiều qua, chúng tôi đi thêm khoảng 3 ki-lô-mét nữa đến ngã ba Bưng Bàng, đáng lẽ phải rẽ tay phải như cụ Năm Bò hướng dẫn nhưng ông Tám tự đi thẳng. Có lẽ đi đến đây ông đã nhận ra cái gì đó nên ông cứ quanh quẩn, quanh quẩn trước một căn nhà vách liếp. Ông quyết định vào hỏi thăm thì mọi người trong nhà đều còn trẻ và không biết một tí gì về trảng Bầu Cột. Mọi người mách ông đi thêm vài chục mét nữa hỏi thăm bà Ba Cô. Rất may khi vào nhà, chúng tôi thấy bà rất hiền từ, phúc hậu đang ngồi đung đưa trên một chiếc võng xem vô tuyến. 
Tí Út đang cùng ông Tám (bên phải) xác định Trảng Bầu Cột năm xưa

Bà Ba cô đang ngồi tiếp chuyện
  Thấy khách đến, bà vui vẻ ra đón và mời khách vào nhà. Ông Hải Đường, vốn là người thân quen giới thiệu luôn với bà rằng năm người từ miền Bắc vào đây để tìm mộ liệt sĩ. Bà nhìn hết lượt ông Tám, ông Năm và chị em tôi với một cái nhìn thương cảm. Bà không ngớt lời an ủi, chia xẻ với chúng tôi rằng từ xa lặn lội đến đây để tìm mộ bố, bà rất thương, rất trân trọng. Bà hỏi luôn: "Liệu tôi biết được cái gì giúp mấy ảnh đây ?". Ông Tám liền vào đề hỏi trực tiếp: "Thưa bà, bà có biết trảng Bầu Cột ở đâu không ?". Bà Ba Cô suy nghĩ trả lời: "Ủa, trảng Bầu Cột tôi chưa nghe nói bao giờ !". Ông Tám hỏi tiếp: "Khu vực này bà thấy còn cây Cày nào to lớn, chẽ đôi, hoặc bị chặt đi rồi mà còn gốc không?". Bà cứ xít xoa áy náy rằng rất tiếc bà không biết một thông tin nào. Bà liền gọi cậu con trai từ nhà trong ra và nói: Tí Út, mày có nghe nói trảng Bầu Cột bao giờ không ? Tí Út trả lời: Có, nhưng lâu lắm rồi, giờ Bầu Cột người ta không gọi nữa. "Mày nghe nói ở đâu, mày giúp mấy ổng đi tìm mộ liệt sĩ đi, gắng đi làm phước nghen !" – Bà Ba Cô nói. Tí Út suy nghĩ lát lâu rồi ra phía trước nhà, tức là trên mặt Lộ Trắng, chỉ chỉ, trỏ trỏ về phía Tây Bắc, phía mà đáng lẽ chúng tôi phải rẽ tay phải từ ngã ba Bưng Bàng. Sau đó Tí Út dẫn ông Tám đi theo những gì ông Tám hỏi. Cuối cùng đi từ nhà Tí Út, vòng vèo, vòng vèo qua mấy lô cao-su, khoảng độ 2 cây số vuông, chúng tôi đã tìm thấy điểm đầu của một con suối cạn. Suối cạn mùa này không có nước, chỉ róc rách từ đâu đến không rõ vì cây cối um tùm, dây leo chằng chịt. Chúng tôi phát quang một lối để xuống suối, nước suối trong veo, lòng suối ẩm thấp vì không có ánh sáng và người đi. Mấy chú gà rừng chạy nhanh vào nơi rậm rạp. Ông Tám mừng vui khẳng định đúng rồi ! đúng nơi đây là cứ của Trung đoàn rồi ! Ông đứng sững lại, nhìn ngang, nhìn dọc và giới thiệu với mọi người: "Tại nơi tôi đang đứng đây là cổng trung đội cảnh vệ của trung đoàn, hết khu cảnh vệ đến khu tham mưu, rồi đến khu chỉ huy, sau đó K33 (tiểu đoàn 3), K34 (tiểu đoàn 4) đóng dọc theo bờ suối". Nói xong ông lầm lũi, cúi đầu đi về phía Đông-Nam, lấy điểm xuất phát chuẩn là cổng trung đội cảnh vệ. Tất cả chúng tôi cứ lẽo đẽo theo sau mà không hiểu tại sao ông đi vòng vèo, vòng vèo, thậm chí nhiều khi ông súit nữa đập đầu vào cây cao-su. Khi ông dừng lại nói với mọi người đánh dấu thật kỹ, hoặc để hết túi sách và đồ lễ thắp hương ở đây, có thể chỗ này là chỗ tôi chôn ba đồng chí Thành, Minh, Mộc. Nói hết câu, ông lại tiếp tục đi thẳng về phía Đông-Nam khoảng độ 80-100 mét. Ông ngoảnh lại hỏi Tí Út, khu này trước kia có một cây Cày rất to cao, thân chẽ ra làm hai nhánh, giống như hai cây trụm lại, anh có biết chỗ nào không ? Có thể cây to bị đốn hạ nhưng hãy để ý dấu tích là gốc, rễ. Mọi người tỏa ra đi tìm, không khó khăn lắm, ông Hải Đường và Tí Út đã tìm được một gốc cây rất to, khó có thể phân biệt là một gốc liền hay hai gốc quấn vào nhau ở gần miệng của một hố bom bị san lấp không đầy. Ông Tám reo lên chính gốc cây Cày rồi ! dưới cây Cày là một hầm trú ẩn của ta, khi bị lộ, máy bay đánh bom trúng hầm, cây Cày không bị làm sao, giờ vẫn còn dấu tích của một hầm bên cạnh và hố bom thì chuẩn quá rồi.

Ông Tám và Tí Út đã xác định được gốc cây cày năm xưa
Đứng tại gốc cây Cày, ông Tám phân tích với chúng tôi, như thế ta đã xác định được hết các điểm chuẩn cần tìm từ xa tới gần, từ ngoài vào trong. Trước hết là Lộ Trắng đi qua trảng Bầu Cột. Phần đuôi trảng chính là khu nhà vách liếp ta dừng lại đầu tiên và nhà của Tí Út. Phần đầu trảng là suối cạn, gần giữa trảng là nơi ta đứng đây. Ông Tám không giấu nổi xúc động nói tiếp: "Không ngờ tôi lại có cơ hội đến và tìm được trảng Bầu Cột sau 40 năm. Đây chính là căn cứ đóng quân của Trung đoàn 96, là điểm lửa của các trận bom, của các trận đánh biệt kích, nơi có biết bao đồng đội của tôi hy sinh như đồng chí Thành, đồng chí Minh, đồng chí Mộc mà chính tay tôi chôn cất. Giờ đây cái tên Bầu Cột không ai gọi nữa, địa hình thay đổi quá nhiều. Cả trảng Bầu Cột và rộng hơn thế nữa là rừng cao-su bạt ngàn. Việc tìm kiếm các đồng chí của tôi sẽ là rất khó nhưng chúng ta sẽ cố gắng không nản chí dù một ngày, hai ngày hay một tuần, hai tuần, ta sẽ khoanh vùng, chia nhỏ các hàng cao-su lại để tìm kiếm".

Nắm đất linh hồn bố ở nơi chiến trường xưa


Để xác định nơi có ba ngôi mộ, ông Tám lại lầm lũi, cúi đầu bước từ gốc cây Cày về phía trung đoàn khoảng 80-100 mét. Ông dừng lại ngắm nhìn lên không trung như đang muốn nhìn cây Cày. Ông căn bản đồ, chỉnh hướng la bàn rồi nói to rõ rằng sau khi chôn ba đồng chí, tôi ngoảnh lại nhìn cây Cày, ước chừng khoảng 80-100 mét, sau đó tôi theo con đường mòn rất quen thuộc nhưng cũng rất mấp mô và khúc khuỷu, hết khoảng 20 phút để về trung đoàn. Lúc trước, từ cổng trung đoàn tôi cũng có lúc nhắm mắt để đi trong trí nhớ con đường ngoằn ngoèo ấy và cũng tới đây. Vậy tôi tin rằng nơi chúng ta đang đứng là nơi có ba ngôi mộ. Với kinh nghiệm của ông Hải Đường và của ông Tám, các ông quyết định nhằm hai ụ mối gần nhau và một mô đất cao hơn bình thường là điểm đào đầu tiên. Chị em tôi sắp xếp, chuẩn bị đồ lễ để thắp hương xin thần linh thổ địa, thành hoàng bản cảnh và vong linh của bố tôi để đào nơi đã định.
10 giờ 30 phút, lúc này giờ cạo mủ cao-su cũng vừa tan, người dân địa phương kéo ra mỗi lúc một đông. Người chia sẻ, kẻ hỏi thăm, ai ai cũng tỏ lòng thành kính với các liệt sĩ, mong cho chúng tôi sớm tìm được mộ bố. Trong đám đông, ngoài Tí Út đã cùng với chúng tôi từ sáng sớm có thêm bốn người khác cùng là cháu trai, cháu dâu của bà Ba Cô, sau này chúng tôi mới biết tên là Tùng, Út Phượng, Út mười Hai và Quân đã chủ động ở lại giúp đỡ chúng tôi trong việc tìm kiếm. Đợi chúng tôi thắp hương xong, mấy thanh niên đứng bên cũng tự lấy hương cắm lên mấy mô đất và rộng ra xung quanh. Tôi nghe rõ giọng nói nhỏ nhẹ của Út Phượng khấn: "Chúng tôi là người dân  sống ở quanh đây, cầu mong mấy ổng ở đâu mau mau ứng báo, hiện lên cho con cháu và người thân sớm được tìm thấy để đưa các ổng về với quê hương và tổ tiên đất Bắc". Nhân lúc hương còn đang cháy, tôi gọi điện hỏi thăm nhà ngoại cảm Nguyễn Khắc Bảy về vị trí định đào và khả năng linh ứng. Ông Nguyễn Khắc Bảy nói ngay: "Các anh vừa thắp hương xong hả ? chỗ ấy đang khá đông người ? Tất cả ai có mặt đều đứng nguyên chắp tay khấn vái xin các liệt sĩ đi ! Lát nữa, khoảng 15-20 phút sẽ có con thằn lằn xuất hiện, nằm ở đâu thì đào ở đó". Khi nói chuyện với Nguyễn Khắc Bảy, tôi có kinh nghiệm hỏi thật to và nghe được gì cũng nhắc lại thật rõ để mọi người cùng nghe và nhớ hộ. Chỉ khoảng 10 phút sau khi gọi điện, mọi người vẫn còn đứng nguyên, quả nhiên có một con thằn lằn màu nâu đất chỉ to bằng đầu chiếc đũa, trườn từ trong đống lá khô, qua chân tôi lên đúng nơi có ba nén hương đang cháy dở và nằm ở đó. Tôi không bỏ lỡ cơ hội chụp mấy kiểu ảnh và quay vi-de-o để làm kỷ niệm. Điều linh ứng kỳ lạ này đã khiến cho ông Hải Đường, ông Tám, ông Năm vốn không tin nhiều vào chuyện tâm linh cũng phải ngỡ ngàng, tin tưởng. Sự xuất hiện đúng lúc của con thằn lằn càng khiến mọi người có thêm niềm tin và động lực.
Đợi đến sau 12 giờ trưa, nhát cuốc đầu tiên do chính tôi động thổ, rồi tất cả thành viên trong đoàn, người cuốc, người xúc, được giúp sức rất nhiệt tâm của Tí Út, Đức, Tùng, Út Phượng, Quân, Đạt, Tuyến và Út Mười Hai... Mọi người ai cũng đào, cuốc hồ hởi tin tưởng vào sự linh ứng huyền bí bởi con thằn lằn và ai cũng hy vọng sẽ sớm thấy được bố tôi.
 
Thế nhưng, ngày thứ nhất đào nơi con thằn lằn nằm, ngày thứ hai đào chỗ nó chạy đi, ngày thứ ba đào nơi nó đến, suy diễn rộng hơn xung quanh đấy có nhiều cỏ cây khác lạ, có nhiều mỏm đất lồi lên, trũng xuống đều được đào bới cẩn trọng. Bước sang tuần thứ hai, tôi nghĩ "có bệnh thì vái tứ phương", một mặt ai đào cứ đào, còn tôi với ông Tám đi hỏi trong dân có ai biết ba ngôi mộ, và những ai khai thác đầu tiên trảng Bầu Cột, may chăng họ thấy xuất lộ hài cốt, hoặc biết được đội quy tập nào đã đến đây. Mặt khác, tôi tìm thầy, gọi ngoại cảm. Ông Ba Tuất là thầy địa lý xem hướng đất, tìm mồ đã lọ mọ đêm hôm vượt qua hơn 100 cây số đến với chúng tôi. Nhà ngoại cảm Nguyễn Ngọc Nhã tận Sài Gòn an ủi chúng tôi rằng các liệt sĩ gắn bó với mảnh đất Tây Ninh này đã 40 năm rồi. Họ cũng có người quen, có đồng đội nên không muốn về. Ông ấy khuyên chúng tôi đừng đào nữa, có đào cũng không thấy được. Còn về phần hai đồng đội của bố tôi, ông Tám, ông Năm không tin nổi ở mình, sốt ruột đứng ngồi không yên cũng đã phải gọi thêm ông Minh là trinh sát chuyên nghiệp của trung đoàn vào hỗ trợ, gọi điện liên tục về Thanh Hóa tham vấn Tham mưu trưởng trung đoàn Nguyễn Hồng Lưỡng. Chị em tôi thật sự bồi hồi nóng ruột, vòng về Tỉnh đội Tây Ninh, Sở Lao động thương binh xã hội và các nghĩa trang trong tỉnh kiếm tìm đều được trả lời là không có tên bố tôi trong danh sách. Mười ba ngày đào bới, kiếm tìm không ngơi nghỉ, cả rừng cao-su, cây cách cây, hàng cách hàng hơn 1600 mét vuông được đào xới. Ông ba Hà là chủ lô cao-su cũng không xót xa lắm cho vườn cao-su nhà mình bằng sự động lòng thương cảm với chị em tôi. Chính ông đã cho tôi số điện thoại và giới thiệu tôi đến với nhà ngoại cảm Nguyễn Ngọc Nhã và ông đã thật lòng giãi bày: "Nếu có thấy, dù phải bứng 5-7 gốc cao-su, ông cũng vui lòng vì một việc nghĩa".
Buổi chiều cuối cùng, ánh nắng vàng nhạt dần sau những tán cao-su làm cả bầu trời ấp Suối Bà Chiêm tối nhanh hơn mọi ngày. Lòng tôi se lại, nặng trĩu những nghĩ suy. Thực sự tôi không muốn từ bỏ sớm cuộc tìm kiếm này, tôi không muốn chia tay sớm với mảnh đất và những con người giàu tình nghĩa nơi đây, nhưng vì thời gian nghỉ phép của chúng tôi đã hết và có đào nữa cũng khó có một hy vọng. Thời gian lúc này đối với tôi chỉ còn tính bằng giây, bằng phút. Tôi cố nán lại, đi xung quanh thắp hết những nén hương còn lại, chạy đây, chạy đó quanh trảng Bầu Cột năm xưa, nơi bố tôi xung trận. Chỗ nào tôi cũng dừng lại một lát chắp tay thành kính niệm tâm: "Thưa bố, chúng con là con trai, con gái bố, cùng các đồng đội năm xưa đến đây để tìm bố. Nếu có kém tài chưa biết nơi bố nằm thì con xin bố hiểu cho tấm lòng chúng con, xin bố sớm hiển linh ứng báo, chỉ cho chúng con nơi bố nằm. Nếu bố có vui cùng đồng đội, hay đã quen nơi đây mà khó lòng từ giã để về quê với ông, với mẹ, với tổ tiên đất Bắc thì con xin bố hãy hiển linh nói với chúng con đôi lời". Tôi cố gắng khoét thật sâu mỗi hố đào một nắm đất mang linh hồn bố về nhà mà lòng quặn đau.
Trên lối ra của cánh rừng cao-su, những người bạn mới quen cùng ông Tám, ông Năm, ông Hải Đường đang đứng đợi cũng buồn rầu không ngăn nổi những dòng nước mắt thương cảm, sẻ chia với chúng tôi. Chị em tôi và anh rể bắt tay, cảm ơn Tí Út, Tùng, Yến, Quân, Tuyến, Út Phượng, Đạt, Đức anh, Đức em mà chợt nhớ đến hình ảnh "người Miền Đông anh dũng trong đấu tranh, trong lao động người lại cũng anh hùng" của bài hát "Tình đất đỏ miền Đông".
Mặc dù chuyến đi chưa tìm thấy bố nhưng đã làm cho tôi vơi lòng buồn tủi, nhẹ bớt nghĩ suy trĩu nặng từ bấy lâu bởi nghĩa tình sâu nặng của những người đồng đội, bởi những nghĩa cử cao đẹp của cán bộ UBND xã Tân Hòa và tình cảm chân thật của người dân hai ấp Suối Bà Chiêm và ấp Trảng Trai vốn cần cù, đôn hậu đã dành cho tôi. Tôi thành thật muốn nói những lời tri ân tới họ trên bài viết này.
NVT

Đọc trên Báo Quân đội nhân dân cuối tuần, Thứ năm, 26/07/2012, 14:16
http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/90/68/72/72/Default.aspx

 

HÀNH TRÌNH TÌM BỐ NƠI CHIẾN TRƯỜNG XƯA (Phần I)

Phần I: Nhật ký đường sắt Bắc Nam 

Nguyễn Văn Trường

Bố tôi là liệt sĩ Nguyễn Văn Thành, quê xã Phúc Hoà, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây, Hòm thư quân bưu: 86.555.YK.C4, hoặc 86.555.YK.C3.B15. Những thông tin trên giấy báo tử có ghi: Họ và tên Nguyễn Văn Thành, sinh năm 1939, cấp bậc thượng sỹ, chức vụ tiểu đội trưởng, đơn vị: D4 - E96 - F69 KB, hy sinh ngày 21 tháng 4 năm 1970, tại Tây Ninh.
Sau nhiều lần gặp gỡ và hỏi thăm, tôi được các bác, các chú đồng đội của bố tôi dựng lại sơ đồ nơi bố tôi xung trận và kể cho nghe những câu chuyện cảm động lúc bố tôi hy sinh. Ông Bùi Anh Tám và Ông Lê Văn Năm là hai trong nhiều đồng đội ở Thanh Hóa đã xung phong đưa tôi vào Tây Ninh để xác định lại chiến trường xưa, nơi các ông cùng bố tôi đã chiến đấu hơn 40 năm trước và tìm mộ bố tôi.
Từ Hà Nội đến Tây Ninh là cả một hành trình vừa dài thời gian vừa xa khoảng cách. Mặc dù chuyến đi chưa tìm thấy bố nhưng đã làm cho tôi vơi lòng buồn tủi, nhẹ bớt nghĩ suy trĩu nặng từ bấy lâu bởi nghĩa tình sâu nặng của những người đồng đội, bởi những nghĩa cử cao đẹp của cán bộ UBND xã Tân Hòa và tình cảm chân thật của người dân hai ấp Suối Bà Chiêm và ấp Trảng Trai vốn cần cù, đôn hậu đã dành cho tôi. Tôi thành thật muốn nói những lời tri ân tới họ qua bài viết này.

Nhật ký đường sắt Bắc Nam

Hành trình của chúng tôi bắt đầu vào một buổi chiều giữa xuân có nắng vàng đẹp đẽ. Đoàn tàu Thống nhất 3 (TN3) rúc một hồi còi báo hiệu và rùng mình, rồi hậm hực, hậm hực ra khỏi ga Hà Nội lúc 15 giờ 45 phút. Chẳng mấy chốc đoàn tàu lao vun vút đưa chúng tôi qua những cánh đồng còn đang cấy dở để trơ các bờ vùng, bờ thửa của vùng đồng chiêm chũng huyện Phú Xuyên (Hà Tây). Xa xa, những mái nhà lúp xúp xen dưới những bóng tre xanh. Khói bếp đâu đó cũng đã nổi lên đang bảng lảng in trên nền trời hồng cuối chiều ở vùng quê Hà Nam, Ninh Bình yên tĩnh. Tôi đứng bên ô cửa sổ nhìn về phía Tây Nam, nơi mà sau ngày mai chúng tôi sẽ tới, suy nghĩ mông lung, bất giác tôi nhớ nhà, nhớ quê hương và thương nhớ bố da diết. Đúng lúc đó, khúc ca "... Làng thôn quê ta khuất xa trìu mến, ơi núi sông quê nhà, hỏi sông nơi đây, có bao anh hùng, hò ơi dô ơi ! Các anh, các chị tuổi xuân đôi mươi, đánh tây luyện thép..." trong bài ca Chào Sông Mã anh hùng đã cất lên như muốn cho biết đoàn tàu vừa đến đất Thanh Hóa khiến tôi càng nhớ quê, càng thêm yêu mến và ngưỡng mộ thế hệ cha anh. Trời tối dần, những hành khách đứng ô cửa sổ bên kia hình như cũng đang cố ngắm những gì hiện ra trước lúc trời tối. Tôi ngoảnh lại toa tàu thấy chú Tám, chú Năm, hai đồng đội của bố tôi năm xưa xung phong đi cùng tôi vào chiến trường cũ, người nằm, người ngồi đang ôn cố tri tân, và nói chuyện kỷ niệm xưa ở chiến trường.
Màn đêm buông xuống, hai bên sườn tàu chỉ thấy vụt sáng những ánh đèn pha rọi chói, thỉnh thoảng lại loang loáng ánh sáng hắt ra từ những làng quê, hay thị trấn đi qua. Tôi thầm lặng ra ô cửa thả những đồng tiền, vàng (vàng mã) mà người đời quan niệm đó là lộ phí phải gửi để bố tôi cùng đi. Cùng lúc đó, tôi thoáng buồn vì ngoài hành lang cũng có ai đó gọi điện cho người thân cố gắng ra ga nhận 500 ngàn đồng, anh muốn gửi về biếu bố mẹ. Tiền gửi người âm, tiền biếu người dương hai đường, hai ngả nhưng cùng một ý nghĩa. Cả hai số tiền cùng lớn, chắc chắn giá trị tinh thần sẽ lớn hơn rất nhiều và ý nghĩa biết bao khi người thân nhận được. Đêm đầu tiên trên tàu, cả sáu người đều khó ngủ. Khó ngủ bởi những âm thanh chói tai mỗi khi đoàn tàu qua cầu và những cú lắc lư đến khó chịu. Tôi nằm chong chong suy nghĩ mông lung, hình dung cảnh tượng núi rừng biên giới Tây Nam của đất nước và những con người cần cù, anh dũng vùng miền Đông Nam bộ mà tôi chỉ mới được nghe, được kể. Đoàn tàu lao vun vút vào màn đêm đen đặc, nhẹ nhàng đưa chúng tôi qua một số tỉnh miền Trung.
Sáng hôm sau, tôi thức giấc đã lâu nhưng khi mở mắt xem đồng hồ đã là 7 giờ 30 phút, nhìn qua cửa tàu, trước mắt tôi là cả một vùng đất cằn, cây dại, thỉnh thoảng có những thửa ruộng cấy chưa xong, nham nhở các màu vàng chanh của mạ non, mạ già ở miền Thừa Thiên ngoại vi thành phố Huế. Từ đây, trên tàu phát ra những bài ca xứ Huế và những điệu hò thân thương, mượt mà, lắng đọng đưa chúng tôi qua thành phố Huế từ lúc nào không biết. Hết đất Huế đến đèo Hải Vân, một dải đèo nổi tiếng hiểm nguy và trắc trở. Đoàn tàu bắt đầu chậm dần và ì ạch bò lên đèo như một con rắn khổng lồ, nhưng lý thú biết bao khi trên lưng "con rắn", phóng tầm mắt ra biển Lăng Cô, người ta được thưởng ngoạn một cảnh đẹp thiên nhiên bởi ánh nắng vàng buổi sớm hòa quyện với nước biển trong xanh lấp lánh ánh vàng, ánh bạc như đang vui cùng mấy chiếc thuyền buồm của ngư dân đánh cá. Tất cả tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp, sống động và đáng yêu.
Sau khi được chiêm ngưỡng cảnh đẹp, ông Tám, ông Năm say xưa kể lại những kỷ niệm thời các ông hành quân vượt qua miền Trung vào Nam đánh Mỹ. Đoàn tàu vẫn mải miết, lúc lầm lì, lúc gầm thét vì những chiếc cầu phải vượt qua đưa chúng tôi đi hết Đà Nẵng, Quảng Nam, rồi Quảng Ngãi. Khi tàu đi ngang qua huyện Đức Phổ, tôi chợt nhớ đến những câu chuyện về bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, người đã sống, chiến đấu cùng thời với bố tôi và ông Năm, ông Tám đang ngồi đây. Cả thế hệ ấy đã được ghi danh vào sử sách vì lòng yêu nước, vì tinh thần dũng cảm. Cả thế hệ ấy đã khiến tôi ngưỡng mộ về đức hy sinh cao đẹp cho đất nước được độc lập tự do. Dẫu vẫn biết rằng phòng làm việc của chị nay là khu di tích còn xa đường quốc lộ, thế nhưng tôi vẫn cố nhìn, nhìn gần, nhìn xa xem có hình ảnh nào quen quen trong nhật ký của chị viết mà tôi đã đọc - nhưng không thể !
Hết tỉnh Quảng Ngãi đến tỉnh Bình Định, Phú Yên, địa thế nơi đây như một thung lũng lớn. Phía trong là dải Trường Sơn hùng vĩ, phía ngoài giáp với biển cũng có dải núi lớn bao bọc, ruộng đồng tốt tươi và thích nghi với cây dừa. Dừa được trồng rất nhiều, cây sai trĩu quả, dân cư đông đúc ở rải rác hai bên đường.
Cuối đất miền Trung, cũng là lúc trời chuyển ngày sang tối, mọi người trong phòng đang dùng bữa. bên ngoài, có ai đó nói đây là Đèo Cả. Tôi giật mình vì trong tập Hồi ký của viên Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer trước kia có viết cái đèo này nhô ra biển, giống như đèo Hải Vân nhưng cao hơn, nhiều dốc quanh co hơn. Đường sắt được làm trên đoạn đèo này rất khó khăn, đi trên đoạn này cũng hiểm nguy vì có đoạn cua gập tay áo. Đèo Cả là ranh giới giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Từ đây, trời đã tối nhưng nhờ có nhiều ánh sáng đèn của thành phố và không gian phố biển thoáng mát, tôi vẫn nhìn thấy bên phải một vài hòn núi nhỏ nhấp nhô với một vài tháp Chàm, bên trái là biển. Biển Khánh Hòa rất đẹp, có nhiều vũng, nhiều vịnh và hiền hòa lắm. Nhìn ra xa thấy cơ ngàn ánh sao trên trời, ánh sáng đèn của ngư dân câu mực lấp lánh dưới nước, giống như ta đang đứng trong không trung của một vòm trời hình cầu trên, dưới đầy sao lấp lánh sống động. Cảnh biển Nha Trang về đêm trông đẹp quá ! ban ngày chắc còn đẹp hơn nên người ta đã bình chọn cho biển Nha Trang là biển đẹp nhất nước ta. Đến ga Nha Trang, ga này cũng tấp nập và đẹp. Nó xứng đáng là ga đầu tuyến chạy vào Nam cho mọi chuyến tàu.
Đêm nay là đêm thứ hai trên tàu, có lẽ ba hành khách cùng toa với chúng tôi đã quen hơn nên ngủ rất ngon. Còn tôi, ông Tám và ông Năm vẫn không sao ngủ được. Chắc hai ông cũng trăn trở như tôi, lúc nằm, lúc ngồi mong sao trời sáng. Sáng nhanh để các ông sớm được thấy chiến trường xưa, nơi có bao kỷ niệm không thể nào quên, nơi có bao đồng đội của các ông người được về, người phải nằm lại mãi mãi mà các ông chưa có một lần trở lại viếng thăm sau 40 năm. Tôi cũng háo hức trời sáng, sáng nhanh để được đến nơi rừng xanh, đất đỏ năm xưa, nơi bố tôi cùng các bác, các chú anh dũng chiến đầu, để tôi sớm tìm được nơi bố tôi đang nằm từ 40 năm nay. Hết nằm, lại ngồi và mấy lần ra cửa thả những đồng tiền vàng, lần nào cũng nghĩ là lần cuối, mỗi lần ra là một lần xin bố, cầu mong cho chuyến đi được bình an và sớm tìm được bố. Tôi cùng ông Tám, ông Năm trò chuyện suốt đêm. Cuối cùng hành trình 40 giờ của đoàn tàu Thống Nhất 3, xuất phát từ ga Hà Nội cũng kết thúc, đưa chúng tôi đúng lịch trình tới ga Sài Gòn lúc 7 giờ 45 phút.
(Còn nữa)
Phần II: Đường lên biên giới – xã Tân Hòa
NVT