KHOA PHÁP & THÔNG TIN

1. Khoa Pháp chuẩn bị ky niệm 50 năm ngày thành lập Khoa, Nguyễn Văn Trường (bài viết)
2. Thông báo nội dung cuộc họp lần hai chuẩn bị kỷ niệm 50 năm ngày thành lập khoa pháp, Trịnh Đức Thái

NHỮNG BỨC CHÂN DUNG ĐẸP Ở KHOA PHÁP

Nguyễn Văn Trường
K16 (1982-1987)

Khóa 16 (K16) khoa Pháp chúng tôi nhập học chính thức ngày 18 tháng 10 năm 1982. Ngay từ những tháng, năm đầu tiên mới vào trường, tôi đã được nghe đâu đó những mẩu chuyện kể về những tấm gương thầy, cô khi còn là sinh viên đã khổ luyện thành tài, không ngừng phấn đấu trong học tập để rồi tốt nghiệp, được giữ lại Khoa giảng dạy, và trở thành những thầy cô mẫu mực, có chuyên môn cao và hết lòng vì sinh viên. Những mẩu chuyện kể ở mọi lúc, mọi nơi ca ngợi tính cách và tài năng của các thầy, cô được người kể, người nghe thật trân trọng và nể phục.
Năm nay - 2012 là năm kỷ niệm Khoa Tiếng Pháp tròn 50 tuổi và cũng là một mốc son đánh dấu tròn 30 năm ngày nhập trường và 25 năm ngày ra trường của K16. Chúng tôi đã có nhiều dịp về thăm lại giảng đường khoa Pháp năm xưa, gặp bạn bè cũ và các thầy cô kính yêu. Thật ý nghĩa biết bao ! tất cả chúng tôi cùng ngồi lại chắp nối những mẩu chuyện năm xưa để xem đó như những đường nét hoa văn nhiều sắc màu điểm tô thêm những bức "chân dung" đẹp của các thầy cô.
Những bức chân dung được khắc hoạ dưới đây chắc chắn chưa đủ tất cả các thầy cô đã dạy và theo sát K16. Tác giả Những bức chân dung đẹp ở Khoa Pháp mong được gặp lại ngày càng nhiều các thầy cô để được tiếp tục làm thêm nhiều bức chân dung đẹp nhân ngày Hội Khoa năm nay.

Chân dung Nhà giáo ưu tú Trần Thế Hùng

Ngay khi còn là sinh viên khoá 3 (1966-1971) của Phân khoa Pháp văn[1], tên tuổi của thầy Trần Thế Hùng đã gắn liền với một tập thể có nhiều tấm gương sáng siêng năng học tập, khổ luyện thành tài, để sau khi tốt nghiệp, được giữ lại khoa giảng dạy như các thầy: Nguyễn Khắc Thiệu, Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Văn Mạnh, Nguyễn Trọng Tân, cô Nguyễn Thị Liên và cô Bạch Thị Diệp.
Trong số các thầy cô được giữ lại khoa, nổi trội hơn cả là nhóm bốn thầy Thiệu-Thọ-Mạnh-Hùng. Tên của bốn thầy đã trở thành một thành ngữ Thiệu-Thọ-Mạnh-Hùng cho bao thế hệ sinh viên thuộc lòng trong những câu chuyện hay năm xưa và trên những diễn đàn học tập. Chuyện kể về thầy Hùng là từ một học sinh phổ thông cấp III Quảng Oai chưa hề biết "một từ tiếng Pháp bẻ đôi" đã chăm chỉ, siêng năng sớm tối "cày", "xới" tài liệu để trở thành thầy dạy lý thuyết tiếng đứng đầu khoa Pháp. Thầy Thiệu vốn bị nói ngọng nhiều âm khác nhau nhưng ngọng nhất là âm "l" thành "n", "n" thành "l", rất vất vả trong việc học ngoại ngữ nói chung và tiếng Pháp nói riêng. Ấy vậy mà thầy đã khổ luyện để hết nói ngọng, rồi trở thành một thầy giáo dạy ngữ âm nổi tiếng. Thầy Thọ, thầy Mạnh cũng chuyên tâm nghiên cứu, phấn đấu thành các thầy đầu ngành giáo học pháp. Xem ra, sứ mệnh của khoa Pháp là đào tạo giáo viên dạy tiếng Pháp mà bốn thầy đảm nhiệm các môn chính thống: ngữ âm (phonétique), ngữ pháp (grammaire), từ vựng (lexicologie), ba bộ phận cấu thành của ngôn ngữ học (La linguistique) và giáo học pháp (Méthodologie) thì các thầy được ví như bốn trụ cột - Tứ Trụ vững chắc, nâng đỡ một công trình kiến trúc "Sư phạm ngoại ngữ" thật quả không sai.

Các thầy "Bộ Tứ": Thiệu, Hùng, Mạnh, Thọ (từ trái sang)

Tiếng thơm Thiệu-Thọ-Mạnh-Hùng không chỉ còn trong phạm vi khoa Pháp mà đến cả giới nghiên cứu ngôn ngữ chuyên nghiệp ở Viện Ngôn ngữ như giáo sư Hoàng Tuệ, Nguyễn Tài Cẩn, Đoàn Thiện Thuật, Đỗ Hữu Châu, Cao Xuân Hạo… cũng đặt cho biệt hiệu "Bốn Tây con" bởi kết quả học tập rất cao và khả năng nghiên cứu ngôn ngữ rất chuyên nghiệp. Năm 1999, tôi chỉ nghe lỏm được biệt hiệu "Bốn Tây con" bền lề của một công trình sắp được xuất bản hồi ấy nhưng mãi đến gần đây, tôi mới mạnh dạn đem hỏi thầy Hùng. Thầy Hùng e dè và rất kiệm lời nói về mình:
"Bốn người chúng tôi khi được ở lại trường là phải tính ngay chuyện đi học ngôn ngữ. Chúng tôi có bảy năm, từ năm 1971 đến 1978 cắp sách theo học các thầy Thuật, thầy Cẩn, thầy Tuệ. Học là học đón đầu để vững chuyên môn và nghiên cứu, lấy ngoại ngữ làm công cụ nghiên cứu. Ngôn ngữ Việt và ngôn ngữ Pháp, hai ngôn ngữ hỗ trợ nhau. Cuối cùng, chúng tôi thi nghiên cứu sinh đỗ với điểm rất cao". 
Năm 1980, nhóm Thiệu-Thọ-Mạnh-Hùng tiếp tục lại gây tiếng vang về sức học mãnh liệt và phương pháp học nhóm ở Trường Đại học Tổng hợp Grenoble III (Cộng hoà Pháp) để lại có một biệt hiệu mới "Bộ Tứ" – La Bande des Quatre[2] do các giáo sư người Pháp và bạn bè quốc tế đặt cho từ đây. Chuyện kể rằng, năm 1980, Bộ Tứ Thiệu-Thọ-Mạnh-Hùng được học bổng đi Pháp học lấy bằng cao học[3], khi sang đến trường Grenoble, thời gian ôn thi chỉ còn đúng 15 ngày, trong khi các nhóm sinh viên trường khác họ đã sang học tập từ rất lâu, và đã học được rất nhiều. Các giáo sư Pháp nghĩ là rất khó khăn và khuyên cả nhóm bốn thầy bỏ kỳ thi này để đợi năm sau nhưng cả bốn thầy đều quyết tâm học, bằng cách xin tài liệu để học trên thư viện, học tối, ngày và học với phương pháp chia nhau học theo phần, mỗi người đọc một cuốn sách, xong thì phải thuyết trình trước cả nhóm phần mình đã học để cùng hiểu. Kết quả cuối cùng chỉ trong 15 ngày ấy, các thầy đã thi được với kết quả cao, đều đạt từ 12/20 điểm trở lên. Số điểm này là rất cao so với cả sinh viên bản địa và đã làm các giáo sư người Pháp và các bạn bè quốc tế ngạc nhiên, nể phục. Sau kỳ thi đó, cả nhóm bốn thầy được vợ chồng Giáo sư Dabène mời đến thăm nhà riêng, sự kiện này khiến các bạn bè quốc tế phải thốt lên và ghen tị "Bọn tao học ở bên này cả đời không được đến nhà giáo sư, thế mà…" - Thầy Hùng vui vẻ kể lại như hiểu ý của tôi muốn xác minh biệt hiệu "Bande des Quatre" trong câu chuyện năm xưa.
Với các biệt danh và biệt hiệu như "Tứ Trụ" hoàn toàn Hán, "Bốn Tây con" hoàn toàn Việt và "Bande des Quatre" lại hoàn toàn Tây đặt cho các thầy ở mỗi hoàn cảnh đều mang hàm ý hình tượng hoá, cụ thể hoá vai trò đồng đều và trách nhiệm của một thầy trong bốn và cả bốn thầy trong một đều đúng, đều hay. Cái hay, cái đẹp của bốn thầy là phát triển đồng đều. Cả bốn thầy có bằng cao học (Maitrise) do Pháp cấp sớm nhất khoa (từ 1981) và dàn hàng ngang tiến đều trên bước đường sự nghiệp. Tên tuổi và hình ảnh của bốn thầy được xem như là một hiện tượng đặc biệt của Khoa Pháp.
Đến nay, nhiệm vụ của Khoa Ngôn ngữ và Văn hoá Pháp không còn chỉ đào tạo giáo viên dạy tiếng Pháp như xưa nữa mà đã phát triển, mở rộng đào tạo nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực khác nhau, nên Bộ Tứ xưa kia cũng phát triển theo các hướng khác nhau. Thầy Thọ phát triển lên lãnh đạo trường. Thầy Mạnh lãnh đạo trung tâm nghiên cứu của trường, rồi được đề bạt làm Trưởng phòng Đào tạo. Thầy Thiệu lên làm Phó phòng Nghiên cứu khoa học, hiện đang sống và công tác ở Cộng hoà Pháp. Chỉ còn mình thầy Hùng ở lại khoa.

Thầy Hùng (bên trái) dẫn đoàn đại biểu Quốc hội Pháp
đến thăm Khoa
 Dẫu có thiếu vắng "đội hình", thầy Hùng cũng vẫn thể hiện một tinh thần làm việc độc lập rất cao. Thầy không ngừng nâng cao chuyên môn, biên soạn sách giáo khoa, tài liệu chuyên ngành. Năm nào, thầy cũng bận rộn làm đề thi, tổ chức các kỳ thi đại học, cao học và viết bài nghiên cứu khoa học. Thầy được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú Năm 1996. Nhưng rồi, phải đến năm 1999, thầy mới đăng ký đi làm tiến sĩ ở Lyon (Cộng hoà Pháp). Tháng 11 năm 2002, thầy bảo vệ thành công Luận án tiến sĩ với đề tài "Phản bác trong giao tiếp" (Réfutation dans le discours). Bốn năm sau (2006), thầy được phong hàm Phó Giáo sư. Thấy có vẻ hơi muộn, nhiều học sinh và đồng nhiệp nói vui: "thầy chỉ chăm lo và định hướng tương lai cho sinh viên mà quên làm luận án tiến sĩ của mình". Còn ở Pháp, các Giáo sư nói: "Người ta đi làm tiến sĩ để về lãnh đạo, còn trường hợp của ông thì lãnh đạo người rồi mới làm tến sĩ, làm để chi cho mệt".
Không chỉ giỏi chuyên môn, thầy Hùng còn là một trong những lãnh đạo khoa lâu năm, từ năm 1983, thầy được thứ trưởng Bộ Giáo dục Hồ Trúc kí quyết định bổ nhiệm làm Phó chủ nhiêm Khoa và từ năm 1990, thầy được bầu làm Chủ nhiệm Khoa.
Nhà giáo ưu tú TRẦN THẾ HÙNG
- 1966-1971: Sinh viên khoá 3 Phân khoa Pháp văn
- 1971: Tốt nghiệp, ở lại khoa giảng dạy lý thuyết tiếng.
- 1980-1981: Học cao học tại Grenoble III (CH Pháp) lấy bằng Maîtrise (Master I).
- 1987-1989: Học cao học tại Lyon II (CH Pháp) lấy bằng DEA
- 1996: Được Nhà nước phong danh hiệu "Nhà giáo ưu tú".
- 2000 – 2002: Học chương trình tiến sĩ tại Rouen.
- 2002: Bảo vệ thành công Luận án tiến sĩ với đè tài: Phản biện trong giao tiếp.
- Các công trình và bài viết: Sách giáo trình (04); Sách giáo khoa lớp 6-12 (06); Bài báo khoa học đăng tạp chí KH (10); Công trình nghiên cứu và đề tài NCKH (02).
Về gia đình riêng của thầy cũng là một trường hợp đặc biệt không có nhiều ở khoa Pháp. Vợ thầy là cô Phạm Thị Dung, trước kia cô cùng học khoá 3 với thầy. Ra trường, thầy được giữ lại khoa giảng dạy, còn cô làm việc ở Thông tấn xã Việt Nam. Năm 1978, cô xin chuyển về trường công tác, thầy và cô ở lại khu tập thể của trường. Có lẽ xuất phát từ cuộc sống của sinh viên nội trú kham khổ mà thầy cô đã trải qua nên thầy, cô rất thông cảm và rất yêu quý sinh viên. Chị Hà Tuyết Lan, sinh viên khoá 7 (1973-1978) tâm sự:
"Nhiều khi rỗi, hội con trai hay ra cái ao ở cổng trường mò ốc về cho vào xô luộc, rồi sang nhà cô Dung, thầy Trần Hùng xin ít muối về chấm […] Sau khi ra trường và được trở lại khoa học tiếp cao học, thấy tôi là giáo viên tỉnh nghèo, thầy Trần Hùng, cô Liên dạy miễn phí cho tôi ôn thi và học cao học 9, rồi thi đi Pháp. Tôi được như bây giờ là nhờ vào sự chỉ bảo ân cần và giúp đỡ nhiệt tình của các thầy, cô nhiều lắm. [...] Thầy Hùng, cô Dung coi chúng tôi như người trong gia đinh nên thường ngày chúng tôi vẫn gọi tên thầy cô một cách quý mến, gần gũi vì thế cho đến nay, tôi mới biết tên đầy đủ của thầy Hùng dạy chúng tôi là Trần Thế Hùng và vợ thầy là cô Phạm Thị Dung".

Thầy Hùng (bên phải) và cô Dung chúc thọ thầy Nguyễn Văn Thụ
 Đúng thế, tôi phải thú thật rằng, từ trước đến nay, tôi cũng chỉ nghe các thầy, cô và các anh chị khoá trên gọi thầy với hai chữ rất gần gũi và thân quen là thầy Trần Hùng, hoàn toàn không biết họ tên đầy đủ của thầy là Trần Thế Hùng. Có lẽ sau bài viết này các bạn tôi sẽ thấy thêm một điều thú vị đến ngỡ ngàng.

Trong gia đình thầy, một thành viên thế hệ thứ hai là Trần Quỳnh Hương, con gái của thầy hiện giờ cũng là giảng viên lý thuyết tiếng nhiều triển vọng. Cô giáo trẻ Quỳnh Hương đã hoàn thành chương trình cao học (DEA) tại Lyon II và đang viết Luận án tiến sĩ với đề tài "So sánh câu phủ định Pháp – Việt". Cuối cùng, một thành viên thuộc thế hệ thứ ba trong gia đình là cháu ngoại của thầy cô, cháu gái Nguyễn Trần Trang Linh cũng đang học chương trình Song ngữ Pháp-Việt ở trường THCS Đoàn Thị Điểm. Cả gia đình, ba thế hệ yêu mến tiếng Pháp, gắn bó với tiếng Pháp và đưa tiếng Pháp vào cuộc sống gia đình đến từng góc cạnh, đến từng thành viên.
Kết thúc bài viết này, tôi mới chợt nhớ rằng có ai đó đã nói giá trị của một con người sẽ thể hiện rõ nhất khi người ấy không còn nữa. Theo tôi, nhận định đó chỉ đúng một phần vì những gì mà tôi viết hôm nay về các thầy, cô giáo của tôi ở Khoa Pháp vẫn là hơi muộn, đáng lẽ phải được viết sớm hơn, mặc dù các thầy, các cô vẫn đang khoẻ mạnh, tinh anh.

CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU
VÀ BÀI VIẾT KHOA HỌC ĐÃ ĐĂNG CỦA THẦY TRẦN THẾ HÙNG

SÁCH, GIÁO TRÌNH
TRẦN THẾ HÙNG, Giáo trình Từ vựng tiếng Pháp, 2004, Nhà Xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.
TRẦN THẾ HÙNG, Ngữ pháp tiếng Pháp. Cú pháp câu, 2005, Nhà Xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.
TRẦN THẾ HÙNG, Dẫn luận ngữ dụng học hội thoại, Nhà in Trường ĐHNN, 1998.
TRẦN THẾ HÙNG, Ngữ âm tiếng Pháp, tài liệu sử dụng tại khoa NN và VH Pháp từ năm 2009.
SÁCH GIÁO KHOA
1. Tiếng Pháp 10 (Đồng tác giả) + Sách hướng dẫn, 1984, Nhà xuất bản Giáo dục Hà nội, Hanoï, 144 pages.
2. Tiếng Pháp 11 (Đồng tác giả) + Sách hướng dẫn, 1985, Nhà xuất bản Giáo dục Hà nội, Hanoï, 116 pages.
3. Tiếng Pháp 12 (Chủ biên) + Sách hướng dẫn, 1986, Nhà xuất bản Giáo dục Hà nội, Hanoï, 124 pages.
4. Tiếng Pháp 10 Ban KHXH (Chủ biên), 1994, Nhà xuất bản Giáo dục Hà nội, Hanoï, 236 pages.
5. Tiếng Pháp 11, Ban KHXH (Chủ biên), 1995, Nhà xuất bản Giáo dục Hà nội, Hanoï, 236 pages.
6. Je parle vietnamien (Đồng tác giả), 1994, NXB LIKSIN, HOCHIMINH ville, 249 pages. (Sách dạy tiếng Việt cho người nói tiếng Pháp).
7. Tiếng Pháp 6 (Đồng tác giả) + Sách hướng dẫn, 2002, Nhà xuất bản Giáo dục Hà nội, Hanoï, 128 pages.
8. Tiếng Pháp 8 (Đồng tác giả) + Sách hướng dẫn, 2004, Nhà xuất bản Giáo dục Hà nội, Hanoï, 172 pages.
9. Tiếng Pháp 9 (Đồng tác giả) + Sách hướng dẫn, 2005, Nhà xuất bản Giáo dục Hà nội, 136 pages.
CÁC BÀI BÁO KHOA HỌC
1. "Vai trò của tranh ảnh trong việc giảng dạy ngoại ngữ", Kỷ yếu Hội nghị Khoa học, Đại học Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội,1998, 4 trang.
2. "Tính đa kênh và vai trò của các yếu tố không lời trong giao tiếp hội thoại", Tạp chí Ngoại ngữ, số 6, 1999, 4 trang.
3. "Câu tiếng Pháp trong hoạt động giao tiếp", Tạp chí Khoa học, ĐHQGHN số 4, 8 trang.
4. "Lập luận và vấn đề giảng dạy lập luận", Actes du Séminaire Régional Asie-Paifique, 2004. 16 trang.
5. "Hành vi phản bác trong giao tiếp (qua cứ liệu tiếng Pháp)", Tạp chí Khoa học, ĐHQGHN số 4, 2004, 9 trang.
6. "Câu đơn và câu đơn đặc, biệt trong tiếng Pháp", Tạp chí Khoa học, ĐHQGHN số 2, 2005, 8 trang.
7. "Lập luận theo quan hệ nhân quả", Tạp chí Khoa học, ĐHQGHN số 4, 2005, 9 trang.
8. "Lập luận trong ngôn ngữ (Nghiên cứu trên ngữ liệu tiếng Pháp)", Kỷ yếu Hội nghị Khoa học lần thứ 26, Đại học Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội, 2006, 12 trang.
9. "Lại bàn về Bổ ngữ chỉ tình huống", Kỷ yếu Hội nghị Khoa học của trường, 2011,.
10. "Encore, giá trị ngữ nghĩa và ngữ dụng", Kỷ yếu Hội nghị Khoa học của trường, 2012,.
CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU
TRẦN THẾ HÙNG, TRẦN QUỲNH HƯƠNG, Nghiên cứu lập luận bằng tiếng Pháp và ứng dụng vào việc giảng dạy tiếng Pháp cho sinh viên chuyên ngữ Việt Nam, đề tài khoa học cấp Đại học Quốc gia, Công bố năm 2005.
ĐỀ TÀI, DỰ ÁN, HOẶC NHIỆM VỤ KHCN KHÁC ĐÃ VÀ ĐANG THAM GIA VỚI TƯ CÁCH THÀNH VIÊN
Nghiên cứu đối chiếu câu Việt – Nga – Anh – Pháp – Trung, Ứng dụng vào việc giảng dạy ngoại ngữ cho đối tượng là người Việt Nam, ĐHQGHN, 2004 (Do thạc sỹ Nguyễn Văn Lợi làm chủ nhiệm đề tài).

NVT

 


[1]     Phân khoa Pháp văn, Khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội là tên gọi ban đầu khi mới thành lập năm 1962. Đến năm 1967, gọi là Khoa Tiếng Pháp, Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội và từ 1993 đến nay gọi là Khoa Ngôn ngữ và Văn hoá Pháp, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội.
[2]     Biệt hiệu "Bande des Quatre" ra đời lúc đó trùng với thời điểm lịch sử Trung Quốc có bốn nhân vật (Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Vương Hồng Văn và Diêu Văn Nguyên) thuộc nhóm cấp tiến có ảnh hưởng vô cùng rộng lớn ở Trung Quốc trong suốt một thập kỷ, kể từ khi Cách mạng Văn hóa bắt đầu năm 1966. Hầu hết người dân Trung Quốc hồi ấy gọi bốn nhân vật này là "Bè lũ bốn tên" – Viết chữ Pháp cũng là "La Bande des Quatre". Có lẽ người Pháp đặt biệt hiệu này cho bốn thầy có hàm ý xem hiện tượng của bốn thầy khoa Pháp là rất phi thường.
      Tuy nhiên đối với tác giả bài này xin được đưa ra giải pháp (cá nhân) dịch sang tiếng Việt của "Bande des Quatre" là "Bộ Tứ" vừa sát nghĩa, vừa đúng hoàn cảnh của các thầy và hay hơn cách gọi của người
Trung Quốc.
[3]     Bằng Maîtrise, bây giờ gọi là Master I

1 commentaire:

  1. Cảm ơn anh Trường về những thông tin quí giá này, nhờ đó mà chúng tôi hiểu thêm về thầy cô giáo của mình.
    Rất mong anh có thêm những bài viết "chân dung" về thầy cô đáng kính của chúng ta.

    RépondreSupprimer